Trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc La Ha sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mộc Châu.
La Ha là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào chủ yếu làm nương rẫy và trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Những năm trước đây, do chủ yếu dựa vào tự nhiên, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế nên năng suất và sản lượng thấp, đồng bào chưa tự túc được lương thực tại chỗ…
Để giúp đồng bào La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù.
Tìm hiểu phong tục văn hóa của dân tộc La Ha
Ðặc điểm kinh tế
Dân tộc La Ha sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy theo lối du canh. Việc hái lượm rất quan trọng, thường xuyên hơn so với săn bắn và đánh cá.
Ngày nay nhiều bản đã làm ruộng, biết đắp bờ chống xói mòn nương; có nơi đã biết dùng phân bón. Chăn nuôi có lợn, gà, nay có thêm trâu, bò dùng để cày kéo.
Hôn nhân gia đình
Trai gái La Ha được tự do tìm hiểu nhau, không bị cha mẹ ép buộc cưới gả, tuy nhiên việc cưới gả phải được cha mẹ ưng thuận. Ðể tỏ tình chàng trai phải đến nhà cô gái và dùng sáo, nhị, lời hát trước khi trò chuyện bình thường.
Sau lễ dạm hỏi, nếu nhà gái không trả lại trầu do bà mối của nhà trai đưa tới thì tổ chức lễ xin ở rể và chàng trai phải ở rể từ 4 đến 8 năm. Hết hạn đó, lễ cưới mới được tiến hành, cô dâu được về ở nhà chồng. Vợ phải đổi họ theo chồng.
Tục lệ ma chay
Phong tục làm ma của người La Ha, theo tục cũ, người chết được chôn theo cả tiền và thóc.
Nhà cửa
Bản của người La Ha thường có khoảng chục nóc nhà. Ðồng bào ở nhà sàn, có hai cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà.
Một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt nội bộ gia đình.
Xem thêm: Dân tộc Bố Y một trong những dân tộc ít nhất Việt Nam
Trang phục
Người La Ha không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc, nên mặc giống người Thái đen.